Điều trị hen phế quản

Hen hàn:

Triệu chứng:

- Thay đổi thời tiết, lạnh nhiều xuất hiện cơn khó thở ra, kèm có tiếng rên rít.

- Ho đờm trong loãng trắng có bọt.

- Ngực đầy tức như bị nghẹt, khi cố dùng sức để thở thì có tiếng kêu phát ra.

- Người lạnh, sợ lạnh, sắc mặt xanh tái, thích uống nước nóng.

- Rêu lưỡi trắng mỏng, ướt trơn.

- Mạch phù (nếu do hàn tà gây nên; mạch trầm khẩn nếu cả trong ngoài đều có hàn).

Pháp trị: ôn phế tán hàn, trừ đờm, định suyễn.

Phương dược: Tô tử giáng khí thang: tô tử, sinh khương, nhục quế, chích thảo, bán hạ, trần bì, hậu phác, tiền hồ, đương quy.

Ý nghĩa: tô tử để giáng khí hóa đàm bình suyễn chỉ ho; bán hạ, hậu phác, trần bì để khử đàm chỉ ho bình suyễn; nhục quế để ôn thận khu lý hàn, nạp khí bình suyễn; đương quy để dưỡng huyết bổ can kết hợp với quế để bổ hư ở hạ tiêu do thận không nạp khí; sinh khương để tán hàn tuyên phế; chích thảo hòa trung điều hòa các vị thuốc.

Phương huyệt: cứu tả Đại chùy, Phong trì, Phong môn, Liệt khuyết, Đản trung, Thiên đột, Phong long, Định suyễn.

Sa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âmĐiều trị hen phế quảnSa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âm

Hen nhiệt:

Triệu chứng:

- Khi gặp trời nóng nực thì lên cơn khó thở ra, thở mạnh thở gấp rút cảm giác ngộp.

- Ho nhiều, đàm vàng đặc đục, dẻo dính, khó khạc.

- Ngực đầy, khó thở kèm tiếng kêu phát ra.

- Lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhờn.

- Mạch hoạt sác.

Pháp trị: thanh nhiệt, tuyên phế hóa đàm.

Phương dược: Tang bạch bì thang: tang bạch bì, hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi, hạnh nhân, bối mẫu, tô tử, sinh khương

Ý nghĩa: tang bạch bì thanh phế nhiệt lợi tiểu; hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi để thanh nhiệt ở thượng tiêu; hạnh nhân, bối mẫu, tô tử để giáng khí hóa đàm tuyên phế, sinh khương tán ngoại tà.

Ngoài ra còn thể dùng phương dược Bạch hổ thang gia hoàng cầm, chỉ thực, qua lâu; hoặc phương từ thuốc nam như mạch môn, bạc hà, lá dâu, chỉ thiên, rễ tranh, cam thảo dây.

Phương huyệt: châm tả Đại chùy, Phong trì, Phong môn, Liệt khuyết, Đản trung, Thiên đột, Phong long, Định suyễn, Khúc trì, Hợp cốc.

Hen do ẩm thực:

Triệu chứng:

- Ăn phải thức ăn không thích hợp nên có cơn hen.

- Tiếng thở như tiếng ngáy, thô ráp, mệt, cảm giác tức hơi.

- Đầy trướng ngực bụng.

- Mạch hoạt thực.

Pháp trị: tiêu thực tích.

Phương dược: dùng la bạc tử với nước cốt gừng hòa với mật ong uống.

- Tuệ Tĩnh dùng: tô tử, trần bì, nhục quế, riềng, nhân sâm. Lượng thuốc bằng nhau, dùng để chữa ho hen, thở gấp, khí nghịch bụng đau như dùi đâm.

Ý nghĩa bài thuốc: quế để ôn trung, riềng tiêu thực; sâm bổ khí; trần bì lý khí hóa đờm chỉ ho suyễn.

Thanh kim đơn: la bạc tử (sao); tạo giác thích (đốt tồn tính); chỉ thực; sinh khương; sắc uống lúc nóng.

Phế khí hư:

Triệu chứng:

- Thở gấp, đoản khí.

- Tiếng ho khẽ, yếu, tiếng nói nhỏ không có sức.

- Tự hãn, sợ gió.

- Miệng khô, mặt đỏ, hầu họng khô.

- Lưỡi hơi đỏ.

- Mạch phu nhu tế.

Pháp trị: dưỡng phế định suyễn.

Phương dược: Sinh mạch định tán gia vị: đảng sâm, mạch môn, ngũ vị tử; gia: sa sâm, bối mẫu, quế chi, huỳnh kỳ, cam thảo.

Ý nghĩa: sa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âm; ngũ vị tử để thu liễm phế khí; sa sâm, bối mẫu để nhuận phế hóa đàm; quế chi, huỳnh kỳ, cam thảo để ôn ích phế khí.

Phương huyệt: cứu bổ Thái uyên, Thiên lịch, Phế du, Trung phủ, Khí hải, Đản trung, Quan nguyên, Tỳ du.

Thận khí hư:

Triệu chứng:

- Suyễn lâu ngày, thở ra dài hít vào ngắn.

- Làm việc là suyễn, vận động là thở gấp, nghỉ ngơi đỡ hơn.

- Tinh thần mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, thở có lúc ngắt quãng.

- Tây chân lạnh, đau lưng, ù tai.

- Mạch trầm tế.

Pháp trị: bổ thận nạp khí.

Phương dược Thận khí hoàn gia giảm: thục địa, hoài sơn, sơn thù, phục linh, trạch tả, đơn bì, nhục quế, phụ tử, nhân sâm, ngũ vị tử, phá cố chỉ.

- Ý nghĩa: thục địa, hoài sơn, sơn thù bổ thận âm; quế phụ để ôn thận dương; nhân sâm, ngũ vị tử, phá cố chỉ để ôn thận nạp khí.

Nếu có thêm triệu chứng: phù, tim đập hồi hộp, thở gấp đó là do dương quá hư thủy tràn, dùng pháp trị: ôn dương lợi thủy.

Phương dược: Chân vũ thang (thương hàn luận): phụ tử, bạch truật, bạch thược, bạch linh, sinh khương.

- Ý nghĩa: phụ tử để ôn thận tỳ, trợ dương khí; bạch linh để thẩm thấp kiện tỳ; bạch truật để kiện tỳ lợi thấp; bạch thược để liễm âm dưỡng huyết chỉ thống; sinh khương để trợ phụ tử ôn dương tán hàn.

- Phương huyệt: cứu bổ Thái uyên, Thiên lịch, Khí hải, Đản trung, Mệnh môn, Thận du, Phế du, Thái khê, Phục lưu.

Sau khi hết cơn háo suyễn, ngoài cơn suyễn có thể tập luyện Yoga khí công các bài tập về phổi, xoa bóp bấm huyệt vùng ngực, vùng lưng trên; nếu có điều kiện dùng bài thuốc bổ khí hoặc bổ phế thận.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

(Đơn vị điều trị ban ngày - Cơ sở 3 BV. Đại học Y Dược TP.HCM)

Thìa là

Còn gọi là rau thì là; tên khoa học Anathum graveolens, họ Hoa tán Apiaceae. Cây trồng bằng hạt, lấy thân, lá làm gia vị. Cây cỏ, thân cao 60-80cm. Lá mọc so le, có bẹ xẻ thùy lông chim 3 lần. Cụm hoa tán kép gồm 5-15 tán nhỏ hoa vàng, mọc ở ngọn cành và kẽ lá. Quả và lá có tinh dầu kích thích tiêu hóa, bổ tỳ vị, thông kinh lợi tiểu lợi sữa. Thìa là được trồng khắp nơi ở nước ta, chủ yếu để lấy lá ăn nấu với cá. Làm thuốc thì dùng quả.

Trong công nghiệp hương liệu quả thìa là được dùng phối hợp với một số quả khác như mùi để làm thơm chè. Quả thìa là được dùng chữa các bệnh sau:

- Khó tiêu, chướng bụng, nôn mửa, nấc: Dùng 10g hạt sắc uống.

- Huyết áo cao, xơ vữa động mạch dẫn tới nhức đầu khó ngủ: hạt thìa là 5g giã nhỏ; sắc uống ngày 2 lần; uống liên tục nhiều ngày làm giảm cholesterol trong máu.

thì là phòng bệnh

- Viêm thận, sỏi bàng quang, sỏi thận: giã hạt thìa là 5g hãm như trà; uống 5-6 lần trong ngày.

- Ít sữa : hạt thìa là 10g sắc uống hàng ngày.

- Chữa bệnh đường hô hấp: trong trường hợp cảm lạnh, cúm, hoặc viêm cuống phổi. Dùng khoảng 60g hạt chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa rối loạn kinh nguyệt: thì là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở các thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh hoặc do có thai, dùng 60g dịch chiết lá thì là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau mùi tây, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa hơi thở hôi: nhai hạt thì là mỗi ngày sẽ cải thiện được hơi thở, giúp hơi thở thơm tho hơn.

Lương y Minh Chánh



Đông y trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em còn gọi là chứng thực tích, tích trệ, Nguyên nhân có thể do ăn uống hay có trùng tích làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ vị. Y học cổ truyền thường sử dụng các vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa có chứa tinh dầu, axit hữu cơ và nhóm có tác dụng làm mạnh tỳ vị điều trị căn bệnh này.

Các bài thuốc thường dùng

Trẻ có biểu hiện bụng đầy, đau, ăn kém, tiêu chảy 3 - 4 lần, phân sống, có khi nôn: Ý dĩ 6g, sơn tra 4g, trần bì 2g, mạch nha 6g. Tất cả sao vàng, tán thành bột, hòa nước ấm cho trẻ uống, ngày 2 lần.

Nếu trẻ có thêm hiện tượng sốt kèm chứng viêm nhiễm khác như ho, chảy mũi, đi tiêu nhiều lần, phân có bọt, trẻ chán ăn: Đảng sâm, hoắc hương, tía tô, ý dĩ mỗi vị 6g, trần bì, gừng khô mỗi vị 2g. Sắc cho trẻ uống lúc thuốc còn ấm chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần kèm sốt, mất nước, thóp lõm xuống: Cát căn, kim ngân hoa 8g, tô mộc 4g, vàng đắng 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này có vị đắng, khó uống, có thể cho thêm ít quả đại táo cho dễ uống.

Các bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Các bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ: cháo rau sam; cà rốt; nước nụ vối;....

Nếu trẻ đi cầu nhiều lần, phân sống, mùi chua, biểu hiện suy dinh dưỡng, nên kiện tỳ tiêu thực cho trẻ: Đảng sâm, hoài sơn, ý dĩ mỗi thứ 6g, nhục đậu khấu, trần bì, mạch nha, hậu phác mỗi vị 4g, sắc ngày 1 thang chia nhiều lần cho trẻ uống trong ngày.

Bên cạnh các bài thuốc trên, chúng ta cũng có thể sử dụng các vị thuốc tiêu thực để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời hỗ trợ bộ máy tiêu hóa của trẻ ngăn ngừa các rối loạn đường ruột.

- Cháo rau sam, lấy 50g rau sam tươi rửa sạch cắt thật nhỏ, vài đọt búp ổi non cắt nhỏ, gạo tẻ một nắm, vo sạch, cho vào nồi, đổ thêm nước, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín và rau nhừ nêm thêm ít muối. Có thể chắt lấy nước cháo cho trẻ uống ngày 2 - 3 lần. Ăn trong 2 - 3 ngày.

- Cháo cà rốt, ô mai mơ, lấy 1 củ cà rốt nhỏ, thêm 5 quả ô mai mơ (xí muội), 1 nắm gạo tẻ, đem cà rốt rửa sạch, thái thật nhỏ, lấy cơm của quả ô mai thái nhỏ, gạo rang vàng. Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền 2-3 ngày.

- Cháo sơn dược, lấy 1 nắm gạo tẻ, thêm 10g hoài sơn (củ mài), hạt sen 10g. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín nhừ tán nhuyễn cho trẻ ăn trong ngày.

- Uống thêm nước nụ vối, gừng 2g. Cách làm: Nụ vối, vỏ lựu, gừng rửa sạch cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2 - 3 ngày.

- Nước gạo rang, gạo tẻ 1 nắm đem rang vàng, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, lấy nước gạo rang pha bột cho trẻ uống, có thể dùng trong 2 - 3 ngày, khi thấy dứt các triệu chứng trên thì ngưng.

Có thể xoa bóp quanh vùng rốn để làm giảm cảm giác đầy trướng cho trẻ.

Lưu ý: Nếu điều trị cho trẻ 2 - 3 ngày bệnh không thuyên giảm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bác sĩ Hoài Hương



Bài thuốc từ hành chữa bệnh hen

Hành tây có hai loại là hành đỏ và hành trắng. Hành tây đỏ rất giàu chất chống oxy hóa và được biết đến nhiều nhờ đặc tính chống viêm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất thiosulphinate có trong hành tây đỏ là thành phần chống viêm tốt nhất. Ngoài ra, hành, đặc biệtt là hành tây đỏ chứa các thành phần chống oxy hóa quercetin và anthocyanin cyanidin dưới dạng các flavonoid, giúp điều trị các bệnh dị ứng trong đó có bệnh hen.

Hành tây đỏ là một trong những biện pháp tốt nhất để điều trị bệnh hen.

hành tây trị hen

Dưới đây là cách sử dụng hành tây để trị hen:

Thành phần:

Dùng khoảng 1/2kg hành tây đỏ

Khoảng 6-8 thìa mật ong

Khỏng 300g đường nâu

Hai quả chanh

5-6 cốc nước

Phương pháp:

Đun nóng đường cho tới khi bắt đầu tan chảy. Thêm hành tây đỏ cắt nhỏ và khuấy đều. Sau đó cho thêm nước. Đun sôi cho tới khi nước chỉ còn 1/3. Để nguội và sau đó thêm nước chanh và mật ong. Để qua đêm trong một lọ thủy tinh.

Cách sử dụng:

Người lớn dùng một thìa canh (tương đương 15ml), trẻ con dùng một thìa cà phê (tương đương 5ml) trước mỗi bữa ăn khi có triệu chứng.

Bạn cũng có thể ăn hành sống hoặc nấu chín với mỗi bữa ăn.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc nam và châm cứu

Y học cổ truyền quan niệm sốt xuất huyết Dengue thuộc ôn bệnh, do nhiệt độc xâm nhập vào cơ thể gây ra. Khi phát bệnh ôn nhiệt dịch độc uất ở kinh dương minh gây sốt cao, phiền nhiệt, khát nước, mạch hồng đại, nhiệt chuyển vào dinh huyết gây xuất huyết phát ban, chất lưỡi đỏ sẫm. Bệnh nặng lên sau 3 – 4 ngày, nếu không chữa kịp thời thì nhiệt độc lấn sâu vào trong, làm cho xuất huyết phủ tạng, huyết áp hạ, mạch nhanh và có thể dẫn tới tử vong.

Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần vệ (Đông y gọi là thể Ôn tà uất biểu và Tà trở mạc nguyên) tương đương với SXH độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Biểu hiện phát sốt (ban đầu có thể kèm theo cảm giác sợ lạnh), đau đầu, đau lưng, đau mình mẩy và cơ khớp, môi khô miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, muộn hơn có thể xuất hiện triệu chứng như mặt đỏ, mắt đỏ, chân tay tê bì, ngực bụng đầy tức, nôn hoặc buồn nôn, đại tiện táo kết hoặc lỏng nát, tiểu tiện sẻn đỏ...

Lá khế.

Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí và dinh huyết (Đông y gọi là thể Khí dinh lưỡng phiền) tương đương với SXH độ 2 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Biểu hiện sốt cao và rất cao, môi khô miệng khát, tâm trạng bồn chồn không yên, có ban xuất huyết dưới da và niêm mạc.

Phép chữa: lấy thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết làm chủ.

Bài thuốc gồm các vị sau: Lá tre 60g, rễ cỏ tranh 16g, lá khế 60g, kim ngân hoa 12g, cỏ nhọ nồi 16g, cam thảo 8g. Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống 1 thang, ngày uống 2 lần.

Nếu bệnh nhân có xuất huyết gia trắc bách diệp sao đen 12g. Sau khi uống thuốc hầu hết các bệnh nhân giảm sốt nhanh, hết đau đầu, không có xuất huyết, không khát nước và đặc biệt bệnh nhân không phải bù dịch. Ngày điều trị trung bình từ 4 đến 7 ngày.

Nếu bệnh nhân có đau đầu nhiều, sốt cao kết hợp với châm cứu. Các huyệt thường dùng: đại chùy huyết hải, hợp cốc, phong trì, khúc trì.

Dùng thủ pháp, châm tả huyệt đại chùy, huyệt phong trì không châm sâu.

Tác dụng của những huyệt trên là thanh dinh lương huyết, thanh nhiệt giải độc, ích khí sinh tân.

Sau khi châm 1 đến 2 phút bệnh nhân hạ sốt, hết đau đầu.

Vị trí huyệt:

Đại chùy: Giữa đốt sống cổ 7 và mỏm gai đốt sống lưng 1. Cách châm: châm thẳng 0,5- 1,5 tấc. Không được châm sâu hơn.

Hợp cốc: Ở chỗ lồi nhất của cơ khi ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp sát nhau. Cách châm: châm thẳng 0,5 đến 1 tấc.

Khúc trì: Ở chỗ lõm tại đầu ngoài nếp khuỷu. Tại điểm chính giữa đường nối huyệt xích trạch với mỏm trên lồi cầu ngoài của xương cánh tay, khi khuỷu tay hơi co lại. Cách châm: châm thẳng, sâu 0,5- 1 tấc.

Huyết hải: Cách bờ trên xương bánh chè 2 tấc về phía trên, giữa chỗ phình của cơ rộng trong. Cách xác định đơn giản: ngồi đối diện bệnh nhân, lòng bàn tay phải của thầy thuốc đặt lên xương bánh chè bên trái của bệnh nhân; huyệt sẽ nằm tại chỗ đầu mút ngón tay cái của thầy thuốc. Cách châm: châm thẳng 1-1,5 tấc.

Phong trì: Ở chỗ lõm giữa cơ ức- đòn chũm và phần trên cơ thang. Nói cách khác, ở giữa chỗ lõm thẳng phía dưới ụ chẩm và xương chũm. Cách châm: châm thẳng, mũi kim hướng về hố mắt phía đối diện, sâu 1- 1,5 tâc, không được châm quá sâu.

BS. Đỗ Minh Hiền

Dược thiện hỗ trợ trị viêm phế quản

Thời tiết cuối thu lập đông, trời hanh khô làm gia tăng bệnh viêm phế quản, nhất là ở trẻ em và người già. Theo Đông y, khí hậu khô hanh gây ra loại nhiệt bệnh ngoại cảm gọi là thu táo. Lúc đầu tà vào phần vệ khí, sau đó vào phần phế khí. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh theo từng giai đoạn.

Mùa thu thời tiết hanh khô làm gia tăng bệnh viêm phế quản.

Khi tà vào phần vệ khí: Người bệnh hơi sốt, hơi sợ lạnh, nhức đầu, ra mồ hôi ít, ho khan hay ho ít đờm mà dính, mũi khô, họng khô, lưỡi đỏ, khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch sác. Phép chữa là tân lương nhuận phế. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: tang chi 8g, hạnh nhân 16g, sa sâm 12g, bối mẫu 8g, đậu xị 8g, chi bì 8g, lệ bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng thanh tuyên táo nhiệt, nhuận phế chỉ khái. Trị ho ít đờm, họng khô khát, phế bị táo, ôn, viêm đường hô hấp trên.

Bài 2: hạnh nhân 10g, liên kiều 10g, bạc hà 4g, tang diệp 12g, cúc hoa 8g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, lô căn 10g. Sắc uống. Trị phong ôn mới phát, ho, sốt, cảm cúm, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp tính.

Giai đoạn này người bệnh nên kết hợp ăn uống các món sau:

Nước la hán hạnh nhân: la hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền đập vụn, hạnh nhân giã dập, cùng sắc lấy nước, thêm chút đường uống. Ngày 1 lần sắc hãm. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, cảm mạo, ho có đờm.

Hạnh lê ẩm: hạnh nhân 10g, lê to 1 quả. Lê gọt vỏ thái lát. Cả hai thứ nấu chín, thêm chút đường phèn khuấy cho tan đều. Dùng cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp tính dạng viêm khô, nóng sốt, ho khan ít đờm.

Khi tà vào phần phế khí: Người bệnh sốt, ho nhiều, không đờm, suyễn, mũi họng khô, bực dọc, khát, nhức đầu, rêu lưỡi khô trắng mỏng, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ thẫm, mạch phù sác. Phép chữa là thanh phế nhuận táo chỉ khái. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Thanh táo cứu phế thang: a giao 8g, hồ ma nhân 12g, thạch cao 12g, tang diệp 12g, cam thảo 6g, đảng sâm 16g, mạch môn 16g, hạnh nhân 12g, tỳ bà diệp (bỏ lông chích mật) 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, lá tre 12g, lá hẹ 8g, sa sâm 12g, thạch cao 16g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Món ăn thuốc kết hợp chữa bệnh:

Nhuận phế tán: qua lâu 1 quả bỏ hạt tán mịn, trộn với bột củ năn thành bánh, nướng chín vàng, tán bột. Cho uống mỗi lần 3g. Hòa với nước sôi thêm đường cho uống ngày 3 lần. Dùng cho trẻ em ho khan do viêm khí phế quản sốt nóng, ho gà dài ngày (bách nhật khai).

Lê hấp đường phèn, bối mẫu: lê to 1 quả, xuyên bối mẫu 3g, đường phèn 6g. Lê gọt vỏ, tách bỏ hạt, bối mẫu tán bột; cho vào cùng hầm chín cho ăn. Dùng cho các trường hợp viêm khô khí phế quản, ho ít đờm, lao phổi ho khan, ho gà, ho do dị ứng, viêm họng.

Cháo trúc lịch: nước ép tre vầu tươi 100ml, gạo tẻ 80-100g. Gạo nấu cháo, khi được cháo cho trúc lịch vào khuấy đều. Ngày làm 1 lần chia 2 lần ăn. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản sốt nóng, ho đờm ít vàng dính.

Hạnh nhân ướp đường phèn: hạnh nhân 30g, đường phèn 30g. Hạnh nhân đập bỏ vỏ cứng, đường phèn nghiền đập vụn trộn đều. Sáng, chiều mỗi lần cho ăn 9g. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày đờm dính.

Ngoài uống thuốc và các món ăn hỗ trợ, có thể kết hợp hằng ngày châm cứu hoặc xoa bóp các huyệt: trung phủ, phế du, xích trạch, thái uyên, hợp cốc, khúc trì.

Vị trí huyệt:Trung phủ: Dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 1 tấc, hoặc giữa xương sườn 1 và 2, cách đường giữa ngực 6 tấc.Phế du: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 tấc.Xích trạch: Gấp cẳng tay vào cánh tay để xác định nếp nhăn da tương ứng với khớp khuỷu, sờ vùng giữa nếp nhăn này thấy một gân to của cơ hai đầu cánh tay, huyệt nằm ở chỗ lõm cạnh bờ ngoài gân này.Thái uyên: Trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.Khúc trì: Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.

Lương y Thảo Nguyên

Bài thuốc trị viêm họng, thanh quản

Sau đây là một số bài thuốc nam rất hiệu quả trị viêm họng và thanh quản, xin giới thiệu để bạn đọc có thể tham khảo áp dụng:

Viêm họng: người bệnh có biểu hiện họng khô, đau rát, nuốt nước bọt thấy đau, niêm mạc họng bị phù nề, sung huyết, tiếng nói thô, có thể có sốt, đau đầu, nghẹt mũi chảy nước mũi, toàn thân mệt mỏi. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: kim ngân hoa 10g, liên kiều 12g, bồ công anh 16g, cát cánh 12g, mạch môn 16g, tô diệp 16g, trần bì 10g, phòng sâm 12g, hoàng bá 12g, sinh khương 4g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 2: huyền sâm 12g, tía tô 16g, kinh giới 16g, trần bì 10g, cam thảo 10g, đinh lăng 20g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 3: phòng phong 12g, kinh giới 16g, xạ can 10g, cát cánh 12g, tế tân 6g, kim ngân hoa 10g, tang diệp 16g, quế chi 6g, thiên niên kiện 10g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Viêm thanh quản: người bệnh có biểu hiện tiếng nói khàn hoặc mất tiếng, ho kéo dài, đau rát họng hơi thở nóng. Nguyên nhân do bị nhiễm phong hàn hoặc phong nhiệt không được điều trị đúng cách, diễn biến dai dẳng dẫn đến viêm thanh quản. Phép trị là trừ phong tà, thanh yết hầu, chống viêm, tuyên phế. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: huyền sâm 12g, đan bì 10g, khương hoạt 12g, tế tân 6g, mạch môn 12g, tang diệp 16g, rau má 20g, đinh lăng 20g, cát cánh 12g, trần bì 10g, hạnh nhân 10g, bạch thược 12g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 2: phòng phong 12g, tế tân 6g, xạ can 10g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, ngũ vị 10g, thương nhĩ (sao) 16g, tang bạch bì 12g, bách bộ 10g, trần bì 12g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: đậu đen 10g, rượu trắng 500ml, cam thảo 30g, trần bì 20g. Đậu đen sao cho bốc khói, cam thảo để sống thái lát, trần bì sao thơm. Cho các dược liệu vào bình sành, đổ 500ml rượu, đậy nắp thật kín rồi đem chôn xuống đất trong 45 ngày. Sau đó mở bình lấy rượu để sử dụng. Ngày uống 30 -35ml chia làm nhiều lần, mỗi lần từng ít một. Công dụng: trừ phong, tuyên thông phế khí chống viêm, lợi yết hầu.

Lương y Đình Thuấn