Trên lâm sàng biểu hiện đầy đủ các chứng trạng âm hư của hai tạng can và thận. Phần nhiều do bệnh nhân ốm lâu ngày hoặc lao thương quá độ hoặc do tà bệnh ôn nhiệt, làm hao thương can âm và thận âm mà gây bệnh.
Chứng can thận âm hư thường gặp trong các bệnh như: hiếp thống, yêu thống (đau lưng), hư lao, huyết chứng, huyễn vậng (choáng váng), kinh nguyệt trước kỳ, bế kinh và thống kinh… Biểu hiện mắt nhìn mờ hoặc quáng gà, gân mạch co cứng, tê dại, co giật, móng tay, móng chân khô giòn, đau hai mạng sườn, chóng mặt, ù tai, lưng đùi ê mỏi, tóc rụng, răng lung lay, gầy còm, miệng khô họng ráo, di tinh, ngũ tâm phiền nhiệt, sốt từng cơn về chiều, hai gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, hư phiền mất ngủ, tiểu tiện vàng, đại tiện khô, chất lưỡi đỏ ít rêu hoặc không có rêu, mạch trầm huyền tế sác…
Can thận âm hư sinh ra chứng đau lưng.
Tùy từng chứng trạng mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
Can thận âm hư sinh ra chứng hiếp thống (đau hai mạn sườn)
Triệu chứng: Hai mạn sườn đau âm ỉ, dai dẳng không dứt, đùi lưng đau ê mỏi, váng đầu hoa mắt, sốt từng cơn, ra mồ hôi trộm.
Phép trị: Tư bổ can thận.
Bài thuốc: “Nhất quán tiễn”: bắc sa sâm 16g, mạch môn 12g, đương qui 12g, sinh địa 12g, cẩu kỷ tử 12g, khổ luyện tử (hạt thầu đâu rừng) 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn.
Can thận âm hư sinh ra chứng yêu thống (đau lưng)
Triệu chứng: Lưng đùi đau âm ỉ, ê mỏi, có khi như vô lực, khi mệt nhọc thì bệnh đau tăng, khi nằm thì đỡ đau, thường hoa mắt, chóng mặt, nhìn mọi việc không rõ.
Điều trị: Tư bổ can thận.
Bài thuốc: “Tả qui hoàn”: thục địa, thỏ ty tử, lộc giác giao, cao qui bản, hoài sơn, cẩu kỷ tử mỗi loại 12g, sơn thù 6g, ngưu tất 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.
Can thận âm hư sinh chứng hư lao:
Triệu chứng: m tinh suy thoái, lưng đùi ê mỏi, choáng váng tai ù, mắt nhìn không rõ, khí huyết của nhiều tạng phủ hư tổn…
Phép trị: Tư bổ can thận.
Bài thuốc: “Đại bổ âm hoàn”: hoàng bá 160g, tri mẫu 160g, qui bản 240g, thục địa 240g, trư tích tủy (tủy sống lợn) vừa đủ.
Các vị thuốc trên tán bột mịn làm viên hoàn mật, mỗi viên 5g, ngày uống 3 lần mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn với nước đun sôi để ấm.
Can thận âm bị hao tổn gây bệnh chảy máu chân răng (xỉ nục).
Triệu chứng: Huyết chảy ra có màu đỏ hồng nhạt, chân răng lung lay, hơi đau, có trường hợp sưng lợi.
Phép trị: Tư âm giáng hỏa, lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc: “Tư thủy thanh can ẩm” phối hợp với bài “Thiến căn tán”: thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 10g, đan bì 8g, sài hồ 10g, táo nhân 12g, trạch tả 16g, phục linh 12g, đương qui 10g, bạch thược 8g, chi tử 6g. Bài thiến căn tán: thiến thảo căn 30g, hoàng cầm 30g, a giao 30g, trắc bá diệp 30g, sinh địa 30g, cam thảo 16g. Tùy chứng trạng và sức khỏe của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.
Can thận âm suy sinh chứng huyễn vựng (choáng váng)
Triệu chứng: Bệnh nhân có bệnh trình khá dài, triệu chứng huyễn vậng nhẹ, phần nhiều thuộc hư chứng. Bệnh nhân nằm xuống nhắm mắt lại thì đỡ chóng mặt, choáng váng.
Phép trị: Tư bổ can thận.
Bài thuốc: “Kỷ cúc địa hoàng hoàn”: cẩu kỷ tử, bạch linh, trạch tả, cúc hoa, hoài sơn, đan bì mỗi loại 12g, thục địa 16g, sơn thù 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Can thận âm suy sinh ra chứng hành kinh trước kỳ.
Triệu chứng: Kinh ra trước kỳ, lượng kinh ít sắc đỏ, chất dính, thường kèm theo chứng âm hư nội nhiệt, hai gò má đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng.
Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.
Bài thuốc: “Lưỡng địa thang”: sinh địa 16g; địa cốt bì, huyền sâm, a giao, bạch thược mỗi loại 12g, mạch môn 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn.
Can thận âm hư sinh chứng bế kinh.
Triệu chứng: Kỳ kinh đến muộn, lượng kinh ít sắc đỏ hoặc nhợt, dần dần dẫn đến bế kinh.
Phép trị: Tư bổ can thận, dưỡng huyết điều kinh.
Bài thuốc: “Quy thận hoàn”: thục địa 26g; cẩu kỷ tử, đỗ trọng, thỏ ty tử, hoài sơn, phục linh mỗi loại 12g; đương qui 8g, sơn thù 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
Can thận âm hư sinh chứng thống kinh.
Triệu chứng: Sau khi hành kinh, bụng đau âm ỉ không dứt, sắc kinh nhạt, lượng kinh ít.
Phép trị: Điều bổ can thận, dưỡng huyết chỉ thống.
Bài thuốc: “Điều can tán”: hoài sơn 20g, chích thảo 4g; a giao, sơn thù, đương qui, bạch thược, ba kích mỗi loại 12g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng